Hà Nội 1973


Hà Nội 1973

Gương mặt tang thương của hoà bình

9/1

Sau một ít ngày ngừng bắn, ở bên kia, ông Lê Đức Thọ và Kissinger vào họp.

Nhị Ca:

— Ông Hữu Mai thì luôn luôn chủ quan (Mỹ nó chịu rồi) ông Khải thì luôn luôn bi quan (ta cũng chịu rồi). Tôi thì tôi khách quan, tôi thấy cũng chả biết đâu mà tính được.

Xuân Sách: đúng là hai thằng điên đánh nhau.

Khải: Nhìn lên ảnh, thấy các cụ đi thăm dân mà đoán tình hình. Cứ cười cười như thế, trong bụng lại không lo sốt vó ấy à. Mọi khi nó đánh xong, nó bảo hòa bình, mình trong bụng đã thích lắm, nhưng cứ chửi vung tàn tán lên. Bây giờ đánh xong, nó bảo nó sẽ đánh nữa, thế là mình lại sợ.

…Ông nào cũng cứ bảo: Mùa khô nữa, mùa khô nữa. Nhưng mùa khô nữa thì lấy đâu ra lực mà đánh. Phen này rồi xem.

Nhị Ca: Có thể nó đánh cho một cú quỵ hẳn, rồi nó rút đi, để lại cho thằng Thiệu. Vấn đề tù binh chỉ là chuyện chính trị.

Khải: Rồi mình lại nhò ra từ đống gạch vụn mà đánh đến cùng chắc? Tôi cho phen này mình mà hỏng, thì tức là đi tong cả một sự nghiệp. Còn nặng hơn cái ông Indonesia nữa.

Nhị Ca: Ngay từ những năm 64-65, tôi đã linh cảm thấy mọi thứ. Cái lần nghe ông  Thanh nói rằng chiến tranh thử thách của một chế độ với lại  đã cân nhắc kỹ… tôi đã hơi sợ. Đến năm 1969, nghe nói mình vỡ hết cơ sở, thì tôi càng thấy linh cảm của mình là  có lý.

Khải: Mình lại đang nói đây là thắng lợi có tính chiến lược. Lắm thứ lắm cơ.

Nhị Ca: Toàn là quân sự vị quân sự, chứ không thì là quân sự vị nhân sinh.

Khải: Mỗi lần nghe nói các ông ấy đang thí nghiệm vũ khí mới, tôi lại nhớ đến phát xít Đức. Trước lúc chết, nó cũng còn hy vọng ở vũ khí mới .

 

Nguyễn Khải : Không hiểu sao, dạo này, tôi toàn đi húc vào toàn những chuyện phát xít Đức trước lúc đầu hàng — có nhiều chuyện thấy y như mình!

N .C: Thì hôm xem phim Quân phiệt cũng thế. Các tin tức đánh về chỉ nói  toàn thắng, trong khi thật ra, các tướng đã đầu hàng mẹ cả rồi.

N.K: Phim Chủ nghĩa phát xít thông thường mới ghê. Tôi nhớ cái đoạn cuối Hitler ra động viên những thằng lính trẻ con thì kinh thật.

Thế mà hồi trước, bọn trẻ ấy đã từng lăn xả vào, cốt để có thể đứng gần phuy-rê hơn. Cả những người đàn bà. Người ta không thể biết rằng 10 năm sau, người ta sống nỗi cay đắng của nước Đức thất trận. Một học thuyết đã được chuẩn bị từ những việc rất vớ vẩn. Thế mới gọi là chủ nghĩa phát xít thông thường…

Nhàn: Lúc trước, nó cũng còn hay nói quyền lợi vật chất để lừa dân Đức?

Khải: Không, chủ yếu, nó cũng nói về những chuyện tinh thần chứ. Năm ngoái, cái lần tôi đang ở đường 9, đọc tờ báo, thấy thanh niên đốt đuốc, tôi cũng thấy kinh như vậy.

( Từ lâu rồi, ông Khải đã kể với tôi: Xem cái anh Chủ nghĩa phát xít thông thường, từ những năm trước 1964, nhiều người đã thấy buồn cười. Ví như lúc vào một viện bảo tàng. Vào ngay cửa, đã thấy ông Hitler. Đến hàng chục Hitler, ngang có, ngửa có. Thế là mọi người cười ồ cả lên. Phải cái ông M. Rom, ông ấy đã sống trong những năm Stalin ông ấy mới đủ tưởng tượng để làm bộ phim ấy.)

 

E. Kennedy: Bao giờ để chúng ta có thể khỏi làm tù binh trong cuộc chiến tranh này?

 

15/1

Trong những ngày căng thẳng này, tôi cảm thấy lý trí như là bất lực: không thể nào hiểu được các sự kiện, và cắt nghĩa nó đến cùng.

Nhưng lại có thể thấy bất ngờ khi những người dân thường hiểu nó bằng bản năng.

Niệm kể bà mẹ của Niệm đi sơ tán, nói chuyện với chị chủ nhà hàng hai giờ liền

– Này, chị ấy nói thế này mà đúng — bà kể — Bây giờ mà giặc cỏ nổi lên, thì vợ con bộ đội, với những gia đình cán bộ lại khổ.

16/1

Tuy là một “thằng  nhóc” tôi lại được dự vào một sự biết trước. Hình như hòa bình đang được người ta nâng nâng trên tay, đánh giá: ờ, thế này thì vừa. Được, được…

– Có tiến bộ bất ngờ trong cuộc hội đàm

– Hai bên đã bàn luận một cách nghiêm chỉnh (Mỹ cũng cho là nghiêm chỉnh)

Và cũng vào ngày thứ hai, một buổi trưa thứ hai, người ta xì xào: Ngừng bắn toàn miền Bắc.

Hòa bình là gì vậy? Hòa bình là một điều tối thiểu cho sự phát triển cuộc sống . Hòa bình là ánh sáng ban ngày bình dị. Nó đến rồi đây,quay trở lại rồi đây

Nhưng mà không hiểu sao, tôi lại bắt đầu buồn ngay được. Tôi dự cảm rằng những ngày sắp tới, người ta sẽ buồn. Nguyễn Minh Châu: Tương lai vẫn là vô định. Quá khứ không được đánh giá một cách rõ ràng thì lấy đâu mà tính được tương lai.

Đêm đầu tiên nghe tin hòa bình (15/1), tôi và Tính ngồi uống rượu — chúng tôi kiểm điểm những ngày hôm qua.

Ngày mai, công việc ngổn ngang. Một thằng thanh niên trí thức như tôi, một thằng có ý chí và ham muốn như Tính, vẫn cứ thấy là bé nhỏ quá đi.

Riêng tôi, tôi vốn là một người cả lo. Sao tôi cứ lo những thảm họa sắp tới. Cái điều có thể chắc chắn, như Nguyễn Khải nói, những bi kịch cá nhân vẫn còn. Biết những bi kịch đó sẽ rơi vào đầu ai.

23/1

Có thể cả quyết đến 90% rằng đêm nay là giao thừa của hoà bình.

Bùi Bình Thi: Tôi xem bản tin nhanh ở chỗ ông Trần Lâm. Ký tắt rồi. Rồi chuyển về cho 4 vị đứng đầu (giai đoạn này gặp nhau chưa tiện). Đâu ngày mai, trên Phủ thủ tướng có buổi họp quan trọng lắm.

Huy Du: ông Yên được triệu tập lên trên họp. Về nhà hỉ hả lắm, đến đầu ngõ đã reo lên, chúng mày đâu, ra cho kẹo. Bây giờ mới thấy rõ bản chất của nhà chính trị.

Khải: Lại nghe tin một gìờ trước khi ký, ông Trường Chinh gặp các Đảng bạn, Đảng dân chủ, Đảng xã hội — để thông báo, xem có đồng ý không. Để không đồng ý thì cắt lương mà!

 

Đang nói thì Văn Thảo Nguyên vào. Tất cả ào ào, có gì mới không.

Nguyên : Các anh biết rồi còn gì.

Khải: Tin này thì nghe lại hàng trăm lượt vẫn cứ thích.

Huy Du: Cả ngày hôm qua, cán bộ cao cấp họp, Tổng Quân ủy họp riêng. Ông Yên về, chê chương trình phát thanh chưa được sôi nổi lắm.

Thế mà thế giới nó vẫn im lặng quá. Nó chán trò này rồi.

Huy Du: Chỉ có chúng mình là khổ. Vài hôm nữa, thịt gà tha hồ đắt.

Khải: Rồi ông xem, hai hôm nữa, hàng hóa lại đầy đường.

Huy Du: Tết này dân Hà Nội đừng hòng cắm hoa thật. Đã có lệnh nhà nước sử dụng tất cả. 40 nguyên thủ quốc gia đến.

… Chỉ có những thằng ở chiến trường sốt rét là khổ. Với lại những người mất cửa mất nhà. Còn chúng mình, chả làm gì, ngồi nói láo.

 

Người ta nhớ tới thân phận người làm nghệ thuật

Huy Du: Tôi đã bảo rồi mà, văn nghệ là trò du hí. Có ông lại cứ khẳng định lý lẽ của các ông ấy là chân lý. Tôi bảo chỉ có không có chân lý – cái đó mới là chân lý. Có cảm tưởng rằng có thể là từ đây chấm dứt vai trò của mình.

Khải: Không. Tôi lại cảm thấy bây giờ ông mới bắt đầu chứ? Tôi cũng thế. Tôi sẵn sàng từ bỏ những gì hôm qua để làm lại tất cả.

Huy Du: Thôi các ông ơi, chừng nào còn sống ở cái chế độ… tự do này, thì đừng có ảo tưởng.

 

Trở lại chuyện chung.

Huy Du: Người ta lại sắp lo cho chúng mình một đợt chỉnh huấn. Thiệu chuẩn bị 3 vạn đĩ để mua cán bộ Việt cộng.

Nguyễn Khải: Rồi mà xem, những cán bộ chính trị sẽ lại bị “mất” với nó đầu tiên, chứ không phải mấy thằng nhí nhố đâu (Những gì nữa,  có thể là ngay ông Hòa bị chứ gì)

Bùi Bình Thi: Còn vấn đề thống nhất. Ông Lê Duẩn đã nó phải 15 năm nữa. 15 năm mà đồng bào miền Nam còn tin yêu Đảng thì chúng ta sẽ có thống nhất.

Huy Du: Chính các ông Việt cộng giải phóng không muốn thống nhất chứ còn ai nữa. Xem xem, như thằng Xuân Hồng Nam Bộ origine, ra đây nó có chơi được với thằng nào không. Ông Hòa điếc trong Nam còn phải nói, thôi các ông ạ. Xong thì ta cũng về thôi. Có thằng dân Bắc nào sống được ở trong này đâu.

 

Nguyễn Khải: (đã nhắc lại nhiều lần) Tôi thích một bài báo này của một thằng ở Madagasca Đông Phi:

Hai miền Nam Bắc Việt Nam hồi Pháp thuộc có thống nhất thì cũng là một sự giả tạo.

Năm 1954 là cơ hội duy nhất để hai miền có thể thống nhất. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, thì cơ hội đã trôi qua.

Sau 28 năm chia cắt, giờ đây hai bên sống theo những triết lý sống khác nhau.

Một bên thờ phụng tự do cá nhân. Một bên sùng bái sự hy sinh.

Một bên thích diễn bi hùng kịch lạc quan. Một bên thích hài kịch yêu đời.

Cũng như trong một gia đình, một người anh được nuôi dưỡng ở Mạc Tư Khoa, người em được thả lỏng trên các đường phố Nữu Ước

.. Ý tưởng về thống nhất bây giờ chỉ là niềm hoài tưởng trong những người già.

Còn như ngay cả đám thanh niên di cư 1954, thì họ cũng đã rời quê hương từ nhỏ, ý niệm của họ về toàn bộ đất nước mơ hồ lắm.

Miền Bắc muốn cho miền Nam cũng thành XHCN như họ, thì theo đúng lý luận của chủ nghĩa Mác, họ hãy để cho Mỹ đầu tư vào, sản sinh ra giai cấp công nhân mới, rồi những người cách mạng ấy sẽ làm cách mạng đổi thay.

Nhưng đến ngày ấy, thì thế giới đã rất nhiều đổi khác.

 

… Trong một buổi tối bàn luận về thời sự.

Chính Hữu: Phải công nhận chủ đề văn học trong giai đoạn này vẫn không phải là sự bất lực, mà chính là khả năng mạnh mẽ của con người. Phải công nhận nước mình ghê chứ. Mấy thằng Đông Nam Á thấy Mỹ rút sợ rúm cả lên kia.
Khải: Những tay nó ủng hộ mình không phải là những tay chống cộng vừa nhớ. Nó hiểu chủ nghĩa cộng sản hơn mình nữa.

Một sự nghiệp phi chính nghĩa không thể được người ta ủng hộ lâu đến thế.

Rõ ràng là cuộc đánh nhau của mình nó mang lại một tiền lệ — Tức là các nước lớn đừng có gây sự với các nước nhỏ! Không phải là nước lớn muốn gây sự gì cũng được. (Xem thì  biết, trong văn bản hiệp định đình chiến, có một cái gì đó, như là toát lên tinh thần — Mỹ là một kẻ xâm lược).

Chính Hữu: Nó đã gọi mình là một con bò cạp. Đúng là môt con bò cạp nước! Mình đúng là một siêu cường quốc về ý chí.

Nhàn: Sức mạnh của mình ở đâu không biết?

Khải: Sức mạnh tổ chức chứ còn sức mạnh ở đâu nữa?

Trong những năm vừa qua, không dùng chế độ độc tài, thì không làm được những việc như thế. Mà sự lãnh đạo xã hội cần như thế.

Vừa qua, tôi có đọc quyển sách về tay trùm tình báo quân sự Đức. Nó nhìn thấy trước sự vô lý của chủ nghĩa quốc xã. Nó muốn những thứ như Áo, Hung phải chống lại đi. Nhưng người ta không chống. Nó rất căm ghét. Vì chủ nghĩa quốc xã có đáp ứng một cái gì đấy của tình hình lúc bấy giờ. Người ta không thể biết trước được những thất bại sẽ đến… Ban đầu, chủ nghĩa quốc xã cũng chỉ xuất phát từ việc đánh vào tính tự ái dân tộc (sau chiến tranh 1918, Đức bị thiệt). Mãi về sau, người ta mới tính tới những thứ nào đó, như vấn đề dòng giống… vv

Cho nên, chủ nghĩa Quốc xã dựa trên hai cái: Tuyên truyền và tổ chức.

 

Nhàn:Rút lại có phải chủ nghĩa Cộng sản tương đồng chủ nghĩa quốc xã?

Khải: Đó là kết luận của ông thôi, chứ không phải của tôi đấy nhé.

 

Trong giới văn nghệ, mọi chuyện như là phải nhận thức lại. Ông Khải kể, gần đây nhất, lại nhân vụ địch ném B52, ông gặp ông Chế Lan Viên. Mới đầu đã gặp câu phủ đầu “dân Hà Nội phấn khởi lắm, anh nào cũng muốn đánh nữa “. Nguyễn Khải nghĩ lung: Thế là mình đành chịu rồi còn gì. Nhưng chưa dám nói. Rồi ông ấy lại chửi Liên xô, Trung quốc.

Ông Khải định” phang “ lại một câu như thế này: Ông phải biết lúc hò hét chiến đấu, tôi cũng không phải là thằng hò hét xoàng đâu. Nhưng mà cái người, mà hôm qua ca ngợi Liên xô, Trung quốc rất ghê, hôm nay lại quay ra chửi, thì đó là một thằng xỏ lá.

Nhàn: Vì các ông ấy có lúc quá tin ở tình hữu nghị.

Khải: Đúng, đúng. Tôi cũng đã nói thế. Lúc trước, các ông ấy khen cho lắm vào cơ. Còn mình, thì lúc nào mình cũng nghĩ chiến tranh là việc của mình. Họ nói thế chứ trong bụng họ biết thế nào mà lần.

Nhàn: Phần tôi, tôi cũng vậy. Trong những ngày qua, tôi không trách ai cả. Tôi chỉ nghĩ về dân tộc mình, sao lại đến bước đường cơ nhỡ như thế này.

24/1

Hoà bình ư? Nhưng anh nên nhớ rằng là tất cả mọi người, đều vẫn là những người cũ. Đó là ý nghĩ đầu tiên của tôi về hoà bình, một trong những ý nghĩ thuộc loại cay đắng.

Tôi đón nghe tin hoà bình vào một buổi tối, tối 23/1. Tôi say say như bước vào một đêm giao thừa. Tôi chịu không nổi, phải đi ra đường phố.

Hoà bình rồi, các ông các bà ơi. Tôi muốn kêu lên như vậy, nhưng lại nghĩ mình thuộc loại người điên mất nên thôi.

Tôi muốn ra cầu Long Biên. Đèn sáng. Giờ này, cầu Long Biên vẫn hoạt động, ga vẫn hoạt động. Người ta đang khôi phục, tết này sẽ có 5 ngả đường sắt thông đường. Đêm yên tĩnh. Một vài cái xe kéo đi. Nguyễn Khải: Sao mà xe chạy nháo nhác vậy!

Buổi trưa hôm sau, gần trưa, tôi nghe tin ở vườn hoa Hàng Đậu.

Lâu nay đường đã là của xe đạp và người đi bộ. Riêng phố tôi là phố của xe bò, trên đường loét nhoét màu thẫm thẫm của phân mới. Mỗi lần gió quẩn, cũng đã thấy bốc lên cái mùi khó chịu.

Nhiều người đang đi xe đạp dừng lại. Có người dừng lại giữa đường. Trong khi đó, những chiếc xe bò cứ chầm chậm mà đi. Người chủ của nó còn mải nghe chuyện gì đó.

Đài báo tin văn bản được ký tắt. Những người chiến thắng là những người quanh tôi, những người này ư ? Một bà mẹ già nhăn nheo nét mặt. Những em bé nhếch nhác. Và một cô gái đứng bên hiệu ảnh, vô can với mọi điều.

Tôi thấy cái mặt đất chung quanh tôi đã bẩn thỉu quá, đã nhem nhuốc quá, đến nỗi phải nghĩ rằng một là chiến thắng đó thật tầm thường, thật vơ vẩn, hai là cái chiến thắng đó thật to lớn, những người này không xứng được hưởng.

Một chiếc xe bò đi ngang phố Quan Thánh, trên xe, một tảng gỗ lớn, như tảng đá — một thứ gốc cây. Hoà bình như một tảng gỗ vậy chăng? Chúng ta mất bao nhiêu công chuyên chở nó từ đâu về, và nó nằm ườn ra như thế: nó mới là một khả năng, nó còn cần phải xẻ ra thành những tấm gỗ to nhỏ…Rồi nó phải sắp xếp lại thành cái tủ cái giường. Nó đã là một cái gì đấy, mà lại chưa phải là một cái gì cả. Và chắc là chúng ta còn phải vất vả với nó.

Tôi lên tàu điện. Mấy người công nhân nói chuyện với nhau theo cái kiểu “bốc phét” của người dân thường Hà Nội. Nó bảo – chữ ký của hai bên bằng cả nền kinh tế Nga Xô. Rồi nó sang Hà Nội xem. Hà Nội có lúc sẽ là đầy Mỹ. Phòng họp hôm ấy thế nọ thế kia… Cái vui vẻ quá đáng của một người lâu mới được vui. Của một người chiến thắng cơ mà !

Mấy bà cụ đã bắt đầu thương những gia đình chết — Tiếc quá, cuối tháng trước như thế. Giá sống yên một tháng nữa thì hoà bình.

Đó cũng là cái chất Việt Nam, như chúng ta nói!

Mấy ông kỹ thuật ở nhà máy điện í ới gọi một người bạn: Này thôi, không phải đi 100 cây số nữa chứ.

Một ông già đứng ra đường, gọi một người quen:

– Này hoà bình rồi.

Mấy người công nhân sửa chữa đường đi qua.

– Thế hả bác, hoà bình rồi hả bác. Thế là chúng cháu khỏi phải đi lấp hố bom.

Tôi nghe cả một bọn trẻ con nói đùa:

– Hoà bình rồi. Tết này tha hồ mà vui.

– Các cháu cũng biết hoà bình cơ à?

– Biết chứ.

Sao có một cái gì như của người Việt Nam: thản nhiên, vô tâm, thích nghi với mọi hoàn cảnh. Không tin rằng hoà bình đến sớm như vậy. Chỉ nghĩ đến một sự thoát nạn.

25/1

Thế giới đều nói: “Đây là một cuộc chiến tranh mà tất cả mọi người mong đợi kết thúc”.

Không thể nào nhớ hết con đường nhọc nhằn mà người ta đã qua…

Và là người trong cuộc, tôi nghĩ đến sự nhọc nhằn của chính mình. Lẽ nào cuộc sống không có một cách nào khác, ngoài cách sống khó nhọc như hiện nay.

Nguyễn Khải: Thắng lợi của mình đúng là gồm thắng lợi của một ý chí của dân tộc, kết hợp với một trí tuệ, như Kissinger. Đấy đúng là một người, như ông Chu Ân Lai nói, một người biết nói  tiếng nói của cả 2 phe. Còn ông Hữu Mai kể: Hôm đầu tiên họp lại (8-1) mình không ra đón. Khi vào, mình bảo: Các ông vừa ném bom chúng tôi, chúng  tôi không thể ra đón được. Kissinger bảo các ông làm như thế là đúng.

… Đúng là một hàn nho nhớ.

Trong cuộc mặc cả này, chính là ông ta đã đứng vượt lên được cả hai phe.

Ông ta đã phải thuyết phục chính Nixon.

Những cách diễn tả tình hình

–Khải kể chính Kissinger nói công bằng nghĩa là không một bên nào được tất cả những điều mình mong muốn – như thế là công bằng chứ còn gì?

–Về đại cục, theo Hân, Kissinger từng nói Mỹ không thắng ở Việt Nam tức Mỹ thua. Việt Nam không thua Mỹ tức Việt Nam thắng.

— Khải: Nói rằng chúng ta chỉ có hoà bình, thì người ta dễ quên. Nhưng nói rằng chúng ta đã chiến thắng thì người ta mới thấm thía lâu.

 

… Câu chuỵên với một tù binh SG :

– Chúng tôi sẽ thắng các ông chứ.

– Vâng, chúng tôi sẽ thua. Nhưng rồi chúng tôi sẽ mua các ông.

 

Cũng Nguyễn Khải: Tôi chỉ không hiểu sao thằng Mỹ nó lại có thể ký một hiệp ước hòa bình với mình như thế. Hân: Có lẽ là nó muốn thu phục mình. Trong quyển của D. Landau đã có cái ý Mỹ không tuyên bố chiến tranh, cho nên cũng cứ rút ra một cách lặng lẽ. Sài Gòn không đổ ngay là được. Còn sau đó, Sài Gòn đổ mặc kệ. Mỹ có thể bắt tay với mình. Vì mình là một tập đoàn lãnh đạo mạnh hơn.

 

28/1

Ngày hoà bình đầu tiên. Người ta đón hoà bình trên mảnh đất thân yêu với người ta. Tôi đón hoà bình với Hà Nội — mảnh đất mà tôi đã có những gắn bó suốt những năm qua.

Cờ đỏ trên cây xanh Hà Nội. Cờ đỏ trên những giàn dáo đã dựng.

“Hoà bình đã được lập lại trên hai miền. Chiến tranh đã chấm dứt hoàn toàn.”  Đó là một điều lâu nay ta đã nghĩ tới. Nhưng nghe vẫn tưởng như trong mơ. Tưởng như những năm 60 còn kéo dài đến 2 năm đầu của những năm 70. Và bây giờ chúng ta mới bước vào một kỷ nguyên mới .

Hà Nội trầm tĩnh, Hà Nội hớn hở ra mặt. Em bé ngồi trên gác ba ga xe của mẹ run run. Những nhân viên bưu điện đi giữa hai hàng người, phát báo.

Những câu mọi khi nghe sáo rỗng nhất của đài, của báo cũng khiến lòng người rưng rưng cảm động. Hôm nay, đài của chúng ta hát nhiều lần một bài ca về đất nước. Mỗi dịp như thế này, chúng ta lại nghĩ đến đất nước Có một cảm xúc là lạ sượng sùng, như là đất nước mà nay chúng ta mới biết. Đất nước là những cảm xúc cũ nhất, cũng là những cảm xúc mới nhất.

Sao trong những ngày chiến tranh, lòng ta bình tĩnh, mà hôm nay lòng ta lại nôn nao? Lòng ta rạo rực quá. Tôi biết có nhiều chiến sĩ, vào những lúc bom đạn, có thể thản nhiên, nhưng có lúc nghe một tin xót xa về các đồng chí của mình mắt cũng cay cay. Tất cả chúng tôi giờ đều như thế.

Tôi trở lại bờ đê sông Hồng. Cờ đỏ trên phố nứa. Buổi sáng, người qua cầu phao đông. Người ta đi đón con. Có những người muốn phá hết những hầm ở ven sông, không muốn để những cái hầm này có mặt thêm một ngày nào nữa.

Với tôi sông Hồng là con sông của lịch sử. Lúc cần nhớ đến lịch sử, tôi luôn luôn nghĩ đến sông. Sao con sông lại có thể trở nên gần gũi như vậy. Hà Nội với những vấn đề hiện đại luôn luôn tựa lưng vào lịch sử.

Trở lại phố phường. Những người công nhân Cục công trình vệ sinh công cộng dọn một vườn hoa cạnh Nhà hát thành phố nơi hôm qua bùn đất nhoe nhoét, than xỉ bẩn thỉu.

Những mầm chuối đầu tiên đã mọc lên, trên mảnh đất Khâm Thiên. Màu cờ đỏ lồng lộng trên đường phố như chỉ có trong những ngày lễ lớn. Tôi ước ao lúc này, có mặt ở mọi nơi.

Giữa ban ngày, phố xá Hà Nội đông người như chưa bao giờ vậy.

Trên một lều nhỏ ven sông, những người già ngồi trầm ngâm. Những thanh niên đứng trên những nóc nhà cao nhất của những nhà gác Bờ Hồ. Có phải tất cả những người kia đều đang nghĩ tới Hà Nội.

Trong những ngày này – mỗi người như cảm thấy muốn tốt hơn với bạn bè, với đồng chí, với những người vừa gặp.

Không phải là hoà bình đã gắn với hạnh phúc. Nhưng quả thật, với nhiều người, hoà bình đã là một thứ hạnh phúc. Hà Nội hôm nay thật nhiều quần áo mới.

Hoà bình, tôi thấy như được sống lại. Tối 28-1, đi xem biểu diễn. Những nền nếp cũ hiện ra vụng dại. Những nền nếp ấy nó là dấu hiệu của một cuộc sống khác. Cả người biểu diễn lẫn người xem đều hơi loạc choạc. Nhưng rồi lại quen ngay được.

 

Tiếp tục ra các khu xa trung tâm. An Dương, màu đỏ lá cờ nổi lên trên màu đỏ của gạch ngói bị vỡ. Và tôi hiểu ý nghĩa của màu đỏ mà chúng ta thường thấy. Em trai tôi kể: Qua Yên Viên, không còn nhận ra gì cả, chỉ thấy cờ đỏ. Cờ đỏ ở trên cây. Cờ đỏ ở một ít nhà còn sót lại.

Một người đàn ông phá hầm.

– Bác phá cho tan luôn?

– Ăn chắc rồi, hoà bình ăn chắc rồi, tội gì mà chẳng phá.

Trong khi người bố lật những mảnh xi măng từ chiếc hầm bị phá, em  bé ngồi cạnh đấy cũng lật lại mảnh hầm vỡ như nghịch một con ngựa ở các vườn hoa.

Hà Nội sẽ phải dọn tới  40 ngàn mét vuông mặt bằng.

29/1

Một chuyện chả có gì dây dưa đến chiến tranh, một cô gái từ Moskva gửi một bức thư về toà soạn tạp chí VNQĐ kể  một ít tư liệu về Napoleon, Hitler và thủ đô nước Nga. Có lúc tôi nghi ngờ, làm gì có ai lúc này còn đọc sử. Có lúc tôi thấy quý mến, nhìn thấy ở đó một việc tôi cũng muốn làm. Lạ nữa, tôi mơ hồ cảm thấy ở đó có một điều gì may mắn đối với nghề nghiệp của mình. Tôi nói với nhiều người: Hôm qua, ngày hoà bình đầu tiên, tôi đi đường, nhặt được 2 quả bóng hơi, thứ bóng trẻ con chơi. Tôi cầm bóng, lòng sung sướng như người cha mang về cho đứa cho nhỏ ở gia đình. Có lẽ nào lại chẳng thấy đối với mỗi người, cuộc sống thật là kỳ lạ. Bất cứ một vật gì bình thường, khi nó thật sự là nó, thì người ngoài nhìn vào, cũng có thể tìm thấy một chút hào hứng.

30/1

Một chi tiết vui vui nó như dư âm cuối cùng của những ngày qua. Kissinger (sau khi ký xong hiệp nghị) bảo:Tôi không có gì để nói với  các bạn cả. Và đó quả thật là một điều kỳ lạ.

 

Cái chết của một người, khi nó được khắc lên thời gian, không gian theo một cách nào đó (ví như cô bé Tanhia, mà Nixon nhắc khi đến thm Nga) thì nó lại gây ấn tượng hơn cái chết của số đông hàng vạn người khác.

Báo chí Sài Gòn: Hòa bình như một cơn mơ đẹp. Nhưng có được cơn mơ đó, thì người ta đã phải trải qua nhiều ác mộng.

Thế nào là bản lĩnh? Thế nào là lòng tin? Tôi không thể tin dễ dãi quá, tôi đã tính toán cẩn thận, vậy mà nhiều lúc tôi còn lầm lạc. Tôi đã bao lần bị lừa trong khi trông đợi hoà bình.

Báo Mỹ: Những vấn đề chiến tranh sẽ không rời bỏ nước Mỹ một thời gian nữa, không biết là đến bao giờ.

… Chúng ta đã biến thành rác rưởi của cuộc chiến tranh này.

Chúng ta không muốn ai dí mũi vào công việc của chúng ta. Và đó là cuộc chiến đấu vĩ đại. Nhưng việc đó không hề bảo đảm rằng chúng ta sẽ biết sống với nhau.

David Landau: Những phong trào của châu Á quá chú ý tới những hư danh, hơn là cái ý nghĩa thực. Trong cuộc chiến đấu của Việt Nam, người ta đòi bằng được việc Mỹ rút về nước trên danh nghĩa mà không chú ý xem thực chất vấn đề này là gì. Có những cách nào làm việc đó? Có cách nào làm cho Mỹ vừa đỡ mất mặt, vừa được việc cho Việt Nam?

31/1

Những chiếc xe bò đổ đất đánh lên vỉa hè Hồ Gươm, sắp hàng dài. Và thế là tùng bê, đất đổ, gạch đổ, cái hầm cá nhân kia đầy lên. Ở khu vực Láng Hạ, những người con gái đi ra lấp hố bom, bằng những cái cuốc, cái xẻng nhỏ như cánh tay của họ.

Ở Đường sắt, nghe tin hoà bình, tàu hoả kéo còi một lúc lâu, người hai bên đường cứ dạt ra.

Rất nhiều người nghĩ: ở một thủ đô khác, chắc là những ngày hoà  bình mọi người đã nhảy cả lên. Nhưng cách biểu hiện tình cảm của Hà Nội, của người Việt Nam là lặng lẽ. Mọi người quên đi thật nhanh những gì vốn có mà ngày hôm qua, chính vì thế mà họ cũng không reo lên. Hay là đã e rồi mai đây, chẳng có chuyện gì phải reo lên cả.

Anh có thấy Hà Nội, trong những ngày này, thỉnh thoảng vẫn thoáng qua  những bóng áo xanh bộ đội. Anh bộ đội về phép đi qua thủ đô. Luôn luôn có một Hà Nội rieng của những người không phải dân Hà Nội.

 

 

Post a comment or leave a trackback: Trackback URL.

Bình luận về bài viết này